Wednesday 9 February 2011

Bien chung than o nguoi DTD: Nhan biet va dieu tri

Số lượt xem: 56
Gửi lúc 17:54' 27/12/2010

Biến chứng thận ở người ĐTĐ: Nhận biết và điều trị

Tổn thương thận là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Ở nhiều nước, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn giai đoạn cuối và là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh phối hợp và tử vong ở bệnh nhân.

Sự gia tăng số lượng bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối do ĐTĐ đang là một vấn đề có tính thời sự toàn cầu. Có một số lý do gây sự gia tăng này bao gồm: số lượng bệnh nhân ĐTĐ không ngừng gia tăng, tăng số lượng bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối do ĐTĐ được chấp nhận vào các chương trình điều trị thay thế thận, hiệu quả điều trị các biến chứng về tim mạch và chuyển hóa cũng tốt hơn càng làm gia tăng thêm số lượng bệnh nhân cần điều trị thay thế thận.

Gánh nặng do bệnh thận ở bệnh nhân ĐTĐ gây nên là đáng kể cả phương diện cộng đồng, xã hội cũng như bản thân người bệnh. Biến chứng thận ở bệnh nhân ĐTĐ làm tăng số lần phải nhập viện, tăng các bệnh cùng tồn tại và giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ngay cả khi bệnh nhân đang được điều trị thay thế thận. Tuy nhiên, việc dự phòng và điều trị bệnh thận do ĐTĐ có thể làm chậm sự hình thành và tiến triển của bệnh, làm giảm gánh nặng cho các chương trình điều trị thay thế thận.

Sự gia tăng mắc bệnh thận do ĐTĐ

Bệnh thận do ĐTĐ được đặc trưng bởi sự xuất hiện protein niệu và thay đổi mức lọc cầu thận (MLCT). Nếu như microalbumin niệu (Microalbuminuria - MAU) xuất hiện ở trong cộng đồng nói chung với tỷ lệ 7% thì ở bệnh nhân ĐTĐ tỷ lệ đó là 16 - 28%. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 sau khi xuất hiện bệnh 5 - 10 năm thì tỉ lệ xuất hiện MAU khoảng 10 - 20 %. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1, khoảng 50% số trường hợp có thể sẽ bị suy thận mạn giai đoạn cuối sau 10 năm xuất hiện MAU (+) và sau 20 năm tỷ lệ này sẽ là 75%.

Sinh bệnh học của bệnh thận do ĐTĐ

 

Sinh bệnh học của bệnh thận do ĐTĐ bao gồm 3 yếu tố chủ yếu:

Sự thay đổi huyết động

Cả 2 yếu tố huyết động học hệ thống và tại thận đều là các yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh thận do ĐTĐ. Tăng huyết áp thường xuất hiện trước khi giảm MLCT và là yếu tố làm tăng tỷ lệ tiến triển thành bệnh thận do ĐTĐ. Tăng MLCT xuất hiện ở giai đoạn sớm của bệnh và là yếu tố liên quan đến suy thận giai đoạn muộn. Tăng glucose máu được coi là yếu tố gây hiện tượng tăng MLCT.

Kiểm soát glucose máu

Mức độ kiểm soát đường huyết liên quan đến sự hình thành và tiến triển của bệnh thận do ĐTĐ. Việc kiểm soát tốt glucose máu và làm giảm áp lực cầu thận cũng như huyết áp hệ thống có thể làm chậm lại quá trình suy giảm chức năng thận và sự thay đổi mô bệnh học của bệnh thận, sự bất thường của glycosyl hóa (đường hoá) protein tạo thành màng nền cầu thận và chất cơ bản giãn mạch, sự tăng tưới máu và tăng sinh của mao mạch cầu thận.Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn đến xơ cứng mao mạch cầu thận. Ngoài ra yếu tố gen cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh thận do ĐTĐ.

Giai đoạn của bệnh thận do ĐTĐ týp 1

Có thể chia bệnh thận do ĐTĐ thành 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 là giai đoạn tăng siêu lọc, tăng kích thước thận, đặc trưng bởi sự tăng MLCT từ 20 - 50% so với độ tuổi của bệnh nhân. Sau vài tuần dùng insulin thì hiện tượng tăng siêu lọc và tăng kích thước thận giảm đi.

- Giai đoạn 2 tiến triển thầm lặng với mức MAU bình thường hoặc gần bình thường, xuất hiện ở 90 - 95% bệnh nhân bị bệnh từ 1 - 5 năm. MLCT bình thường ở hầu hết bệnh nhân. Giãn mao mạch và dày màng nền cầu thận thường thấy khi kiểm tra bằng mô bệnh học.

- Giai đoạn 3 thường bắt đầu 5 - 15 năm từ khi mắc bệnh. Hiện tượng giãn mao mạch và dày màng nền cầu thận tiếp tục tăng lên. MLCT bắt đầu giảm ở cuối giai đoạn này. Tăng huyết áp cũng sẽ xuất hiện ở giai đoạn này.

- Giai đoạn 4 là giai đoạn bệnh thận đã biểu hiện rõ ràng, protein niệu thường xuyên dương tính. Tăng huyết áp thường không ổn định, MLCT giảm dần. Trên mô bệnh học quan sát thấy xơ cứng giãn mạch cầu thận lan tỏa hoặc khu trú.

- Giai đoạn 5 là giai đoạn suy thận giai đoạn cuối, xuất hiện trung bình khoảng 20 năm kể từ khi mắc bệnh ĐTĐ týp 1. Tổn thương giải phẫu bệnh đặc trưng bởi hiện tượng xơ cứng cầu thận.

Tiến triển của bệnh thận do ĐTĐ týp 2

Ngay từ khi mới chẩn đoán ĐTĐ týp 2 thì MAU đã có thể dương tính song có thể sẽ thay đổi nếu kiểm soát tốt glucose máu. Bệnh thận do ĐTĐ týp 2 hiếm khi có tăng MLCT và không thấy có phì đại cầu thận. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển bệnh thận do ĐTĐ týp 2 có thể là THA, tăng glucose máu và hút thuốc lá. Bên cạnh đó, ở bệnh nhân ĐTĐ có xu hướng tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu (có vi khuẩn niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận) hoại tử nhú thận và bệnh thần kinh bàng quang [2].     

 TS. Nguyễn Phương Anh


No comments:

Post a Comment