Wednesday 9 February 2011

Insulin: Nhung than trong can thiet

Số lượt xem: 61
Gửi lúc 18:17' 22/12/2010

Insulin: Những thận trọng cần thiết

Hiểu biết về insulin nội sinh và cách bổ sung insulin chữa bệnh

Là hormone do tế bào beta tuyến tụy tiết ra. Cấu trúc polypeptid, gồm 51 acid amin, kết hợp lại thành 2 chuỗi peptid, nối với nhau qua cầu nối disulfua. Proinsulin là tiền thân của insulin, được chuyển hóa thành insulin bởi enzyme prohormone covertase, qua nhiều khâu phức tạp, dưới sự mã hóa của gen INS. Trong cơ thể, insulin tồn tại dưới dạng dự trữ gồm 6 phân tử insulin kết hợp với nhau (hexa-insulin) và chuyển thành dạng hoạt động chỉ gồm một phân tử insulin (monoinsulin). Khi tiêm insulin từ bên ngoài vào cơ thể, tức là cung cấp một dạng insulin hoạt động, nên sẽ có hiệu lực ngay (khoảng 30 phút sau khi tiêm) còn khi đưa insulin kết hợp với một chất khác như kẽm để tạo thành hỗn dịch thì phải có thời gian để insulin giải phóng ra khỏi hỗn dịch mới hoạt động được, gọi là loại insulin có tác dụng chậm kéo dài.

Insulin nội sinh điều hòa glucose làm cho glucose - máu luôn ở trong một ngưỡng sinh lý ổn định, theo các cơ chế sau:

- Đưa glucose từ máu đến các cơ quan, để tạo ra năng lượng hoạt động.

- Chuyển glucose thành dạng glycogen dự trữ trong gan. Khi cần, gan sẽ chuyển glycogen thành glucose và insulin sẽ ức chế làm cho quá trình tạo ra glucose từ gan chỉ ở mức thích hợp.

- Tăng tổng hợp chất béo.

- Tăng sự hấp thu acid amin và giảm sự phân giải protein.

- Giảm việc tạo thành glucose từ các chất không phải là đường.

Người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) týp I không sản xuất được insulin nội sinh (do tuyến tụy bị thoái hóa) thì đưa insulin từ bên ngoài vào thay thế và insulin thay thế này sẽ thực hiện đầy đủ các chức năng này để kiểm soát đường huyết (ĐH).

Các dạng chế phẩm insulin

Insulin có nhiều dạng chế phẩm, mỗi nhóm chế phẩm có một số đặc tính:

- Nhóm khởi phát hiệu lực nhanh (30 phút) đạt nồng độ đỉnh sau 2 - 4 giờ, kéo dài hiệu lực sau 6 - 8 giờ như- actrapid HM Ge (II) hay insulin injection regular (R).

- Nhóm khởi phát hiệu lực nhanh hay trung bình (từ 30 - 90 phút hay 120 phút), đạt nồng độ đỉnh sau 4 - 5 giờ, thời gian hiệu lực kéo dài 24 giờ như: hỗn dịch insulin - isophan, hỗn dịch kẽm insulin.

- Nhóm khởi phát hiệu lực chậm sau 4 - 6 giờ, đạt nồng độ đỉnh sau 8 – 20 giờ, thời gian hiệu lực kéo dài 48 giờ như insulin kẽm hỗn dịch trải rộng, Trong các hỗn dịch nói trên, kẽm hay isophan làm cầu nối, kết hợp các phân tử insulin lại với nhau, sau đó giải phóng dần insulin ra dưới dạng đơn phân tử để có hiệu lực.

Các tai biến do dùng insulin

Tai biến do chủ quan người dùng

- Tiêm quá liều insulin (để phòng ngừa tăng ĐH hay do nhầm lẫn).

- Không thực hiện đúng chế độ ăn, lao động, luyện tập: nếu ăn nhiều, glucose hấp thu vào máu nhiều mà vẫn dùng liều insulin như cũ thì sẽ không đủ để kiểm soát ĐH, glucose - máu tăng.

Ngược lại, nếu ăn chậm hay bỏ ăn mà vẫn dùng liều insulin như cũ thì insulin sẽ thừa, glucose - máu sẽ giảm xuống dưới ngưỡng bình thường gọi là hạ ĐH.

Tương tự như thế, nếu làm việc luyện tập tăng lên thì lượng glucose tiêu hao nhiều, nhưng vẫn dùng liều insulin như cũ thì glucose máu giảm xuống dưới ngưỡng gọi là hạ ĐH. Như vậy, liều dùng insulin lệ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn, lao động, luyện tập.

Tai biến do bị kèm thêm một số bệnh: bị bệnh tuyến thượng thận, tuyến giáp,tuyến yên, nhiễm khuẩn sẽ làm giảmĐH. Bị sốt cao sẽ làm tăng ĐH. Trongthời gian dùng thuốc, cần khám địnhkỳ, để khi mắc thêm các bệnh mới, thầythuốc phát hiện và điều chỉnh liều.

Tai biến do phối hợp thuốc: trong một số trường hợp ĐTĐ týp II, thầy thuốc có cho phối hợp dùng thuốc ĐTĐ týp II với insulin. Phối hợp này nhằm mục đích kết hợp hiệu năng hạ

ĐH của 2 loại thuốc, tăng hiệu năng kiểm soát ĐH. Thầy thuốc đã tính kỹ về liều lượng mỗi loại để mức tăng hiệu năng này không làm hạ ĐH xuống dưới ngưỡng cần thiết. Tuy nhiên, khi dùng thuốc dưới dạng phối hợp, thường dễ xảy ra hạ ĐH (do dùng sai liều, do không tuân thủ chế độ ăn uống, lao động, luyện tập).

Tai biến do tương tác thuốc: thuốc làm tăng hiệu lực insulin gây hạ ĐH gồm: các dẫn chất salicylic (như aspirin), sulfamid, chẹn thụ thể beta-2, ức chế men chuyển, IMAO, thuốc ức chế chức năng tuyến tụy. Thuốc làm giảm hiệu lực insulin làm tăng ĐH gồm: thuốc ngừa thai, hormone tuyến giáp, corticoid, thuốc trị lao isoniazid, thuốc chống mỡ máu niacin, thuốc cường giao cảm. Cần tránh dùng insulin với các thuốc trên, nếu vì cần thiết phải dùng thì phải có sự chỉ định và điều chỉnh liều của thầy thuốc.

Những chú ý với loại insulin hít

Đây là loại thuốc sinh học thế hệ mới. Khởi phát tác dụng nhanh, đạt hiệu lực tối đa sau 2 giờ, thời gian hiệu lực chỉ trong 6 giờ, đặc biệt là dùng dưới dạng hít, nên thuận lợi cả về mặt hiệu lực kiểm soát ĐH lẫn cách dùng. Tuy nhiên cần lưu ý: với người ĐTĐ cần dùng loại insulin tiêm có hiệu lực kéo dài thì loại insulin hít này không thay thế được hoàn toàn loại tiêm. Cho đến nay, độ an toàn của thuốc chưa được nghiên cứu kỹ, nên chưa được phép và có khuyến cáo không được dùng cho một số trường hợp sau: người nghiện thuốc lá hay mới cai nghiện chưa được 6 tháng (vì ở những người này, thuốc đi vào dòng máu nhanh hơn và hấp thu nhanh hơn 5 - 6 lần, không thể kiểm soát được hiệu lực hạ ĐH do nó gây ra); người bị hen, bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (vì chưa có dữ liệu nghiên cứu). Loại thuốc này cũng khá đắt, giới thiệu loại này để giúp người dùng có ý thức cảnh giác với một loại thuốc mới đang được quảng cáo rầm rộ.

DS.CKI. BÙI VĂN UY


No comments:

Post a Comment